Theo lộ trình đề ra, từ ngày 16.9.2024, doanh nghiệp viễn thông di động tại Việt Nam sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao 2G, hiện thực hóa pha đầu tiên trong kế hoạch 2 pha để dừng hoàn toàn công nghệ mạng này từ tháng 9.2026. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chỉ đạo các nhà mạng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dùng sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi.
Đến nay, tất cả nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động trong nước đều tích cực ủng hộ chính sách này và đang dồn lực để đẩy nốt số thuê bao 2G lên 3G, 4G trước hạn 16.9 để có thể tắt sóng đúng lộ trình.
Chia sẻ tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?" sáng 18.7, ông Lê Đắc Kiên - Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone cho biết đơn vị xác định trước sau gì cũng phải tắt sóng 2G nên từ sớm đã có lộ trình triển khai. Việc Bộ TT-TT đưa ra chính sách càng giúp nhà mạng đẩy nhanh tiến độ công việc.
Hiện nay, nhà mạng này còn khoảng 1,5 triệu thuê bao 2G và tới hạn chuyển đổi, đơn vị cam kết toàn bộ số người dùng trên sẽ sử dụng công nghệ di động 3G hoặc 4G. VinaPhone thời gian qua đã tăng cường phủ sóng 4G để thay thế cho vùng phủ 2G, chủ động mua sắm thiết bị đầu cuối là smartphone giá rẻ, điện thoại cơ bản có hỗ trợ 3G, 4G nhằm phục vụ người dùng đổi máy.
"Thuê bao 2G cần chuẩn bị kinh phí nâng cấp thiết bị đầu cuối. Nhà mạng sẽ hỗ trợ phần nào nhưng không thể hết tất cả. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho cán bộ ở từng địa bàn hỗ trợ quá trình chuyển đổi cho người dùng", ông Kiên chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, Phó tổng giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam cho hay tỷ lệ người dùng 2G trên mạng lưới của đơn vị đang giảm rất nhanh, hiện chỉ dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động. Theo lãnh đạo MobiFone, từ đầu tháng 3 năm nay, nhà mạng đã không cho thiết bị chạy 2G Only (chỉ hỗ trợ mạng 2G) không hợp quy hòa mạng, trong khi vẫn để máy 2G hợp quy hoạt động tới hết ngày 15.9 để đảm bảo quyền lợi cho người dùng. Dù vậy, khách hàng được khuyến cáo chuyển đổi thiết bị càng sớm càng tốt.
Để giảm số lượng thiết bị 2G trên mạng lưới, MobiFone áp dụng nhiều phương án hỗ trợ thuê bao chuyển đổi lên sử dụng smartphone hoặc điện thoại cơ bản có 4G như hỗ trợ gói cước, đồng hành cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị di động... "Hiện 100% SIM 2G của người dùng MobiFone đều đã chuyển đổi. Toàn bộ khách hàng của chúng tôi đều đang có SIM 4G, chỉ cần đổi qua thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể dùng được luôn, không cần đổi SIM", ông Bùi Sơn Nam nhấn mạnh.
Từ phía Viettel Telecom, Phó tổng giám đốc Nguyễn Trọng Tính chia sẻ, với vị thế là nhà mạng di động có số lượng thuê bao lớn nhất hiện nay, lượng thuê bao 2G của Viettel cũng đang còn nhiều. Thống kê từ nhà mạng cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã chuyển đổi thành công hơn 2 triệu thuê bao 2G lên các công nghệ mạng mới hơn.
Viettel cũng đưa ra các chính sách "mạnh tay" như giảm giá máy có 3G, 4G từ 30 - 50%, truyền thông tới người dùng, tổ chức bán hàng lưu động đến cấp xã với những điểm hỗ trợ chuyển đổi 24/7...
Ngoài 3 nhà mạng lớn đang chiếm phần lớn thị phần, Việt Nam còn một nhà mạng nhỏ khác là Vietnamobile và các nhà mạng ảo (MVNO - những đơn vị không có hạ tầng mà mua lại lưu lượng từ doanh nghiệp khác để cung cấp dịch vụ). Ông Đặng Đăng Tùng, Trưởng phòng Phát triển thuê bao Vietnamobile cho biết đơn vị thực hiện đồng bộ 3 giải pháp về cả hạ tầng, kinh doanh và truyền thông tới người sử dụng; chủ động tắt trạm 2G, đặc biệt là trạm lưu lượng thấp; đưa ra gói cước phù hợp để khách hàng chuyển đổi...
Trong khi đó, các nhà mạng ảo do chủ yếu mua lại lưu lượng 4G để cung cấp dịch vụ viễn thông nên số lượng thuê bao 2G rất ít, gần như "không đáng kể", nên có nhiều thuận lợi trong việc chuyển đổi.
0 nhận xét:
Post a Comment