Ngày 26-6, Công an quận 3 (TP HCM) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ việc ông N.T.H. có hành vi đặt camera ngụy trang quay lén người mẫu Châu Bùi (SN 1997) trong phòng thay đồ tại một studio ở quận 3.
Liên quan đến việc quay lén phụ nữ ở các nhà vệ sinh, phòng thay đồ, đây là vấn đề khiến nhiều chị em lo lắng lộ clip nhạy cảm.
Hành vi này bị lên án gay gắt cũng như gây tổn thương nặng nề cho các nạn nhân không may gặp phải.
Đối với các hành vi đặt thiết bị quay lén trong nhà vệ sinh công cộng, buồng thay đồ tại các cửa hàng nhằm mục đích thu thập trái phép thông tin cá nhân, đặc biệt là quay phim chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép là hành vi vi phạm quyền bí mật đời tư của cá nhân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
Cụ thể, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác"
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hình ảnh cá nhân được sử dụng không được gây tổn hại đến người có hình ảnh.
Ngoài ra, khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
"1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác"
Bí mật đời tư cá nhân, danh dự nhân phẩm có thể hiểu là những đặc điểm, hình ảnh nhạy cảm và riêng tư về cơ thể của mỗi cá nhân, là một trong những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Hành vi quay phim chụp ảnh đặc điểm cơ thể của người khác một cách lén lút như vậy là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Hành vi này khi bị tố cáo, tố giác thì người ghi hình lén người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định của luật.
Tùy tính chất của hành vi, đối tượng có thể bị xử lý tội làm nhục người khác, tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử... tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản .
Ngoài ra, Pháp luật bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân. Nạn nhân còn có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.
Có nhiều cá nhân dung thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích tìm kiếm like, share hoặc phát tán hình ảnh, nội dung xấu. Chúng ta cần phải mạnh tay tẩy chay, lên án những hành vi đó và nghiêm khắc xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
0 nhận xét:
Post a Comment