Saturday, June 22, 2024

Hết thời sử dụng nền tảng số miễn phí

Một số người dùng phản ánh nền tảng Instagram bắt đầu thử nghiệm tính năng Ad Breaks (quảng cáo không thể bỏ qua), buộc họ phải xem quảng cáo trong vòng 3-5 giây mới có thể xem tiếp clip. Điều này đã gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.

Chi tiền để tăng trải nghiệm

Tính năng Ad Breaks xuất hiện trên các nền tảng như Facebook, YouTube từ khá lâu, dưới hình thức quảng cáo ngắn ở đầu, giữa hoặc cuối video.

Đặc biệt, trên YouTube, Ad Breaks xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, trung bình mỗi video có 2 quảng cáo không thể bỏ qua. Muốn có trải nghiệm tốt hơn, người dùng chỉ có một cách duy nhất là "móc hầu bao". Chi phí trả cho gói YouTube Premium để xem nội dung trên YouTube và nghe nhạc trên YouTube Music không bị gián đoạn bởi quảng cáo là 79.000 đồng/tháng với cá nhân, 149.000 đồng/tháng với gia đình và 49.000 đồng/tháng với học sinh, sinh viên.

Trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter), người dùng muốn sử dụng các tính năng cơ bản sẽ phải chi số tiền 99.000 đồng/tháng. Muốn truy cập chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Grok, hạn chế quảng cáo, có tick xanh và được viết bài, người dùng phải mua gói Premium hoặc Premium Plus với giá lần lượt 259.000 và 599.000 đồng/tháng.

Không chỉ nền tảng lớn xuyên biên giới, các ứng dụng (app) đọc sách, chỉnh sửa ảnh hiện nay cũng yêu cầu người dùng trả phí sau khi dùng thử. Ông Huỳnh Ngọc Thiện, nhân viên marketing của một doanh nghiệp ở quận 1 (TP HCM), cho hay một tháng qua, trong số các phần mềm, app mà ông tìm kiếm để tổng hợp số liệu, chỉnh sửa ảnh, quảng cáo..., có khoảng 95% buộc phải trả phí sau vài lần sử dụng. Một số ứng dụng cho phép sử dụng miễn phí thì lại giới hạn tính năng, chèn nhiều quảng cáo. "Do nhu cầu công việc, mới đây tôi phải chi 1,5 triệu đồng để mua phiên bản Pro cho app chỉnh sửa video Capcut trong một năm" - ông Thiện nói.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hạnh Minh, nhân viên văn phòng tại TP HCM, hiện rất khó tìm kiếm một phần mềm lưu trữ dữ liệu trên đám mây miễn phí, phù hợp với nhu cầu cá nhân. Để lưu trữ nhiều dữ liệu hơn, người dùng bắt buộc phải mua gói nâng cao. "Sau khi tham khảo, so sánh giá, tôi quyết định mua gói Google One AI Premium với chi phí gần 500.000 đồng/tháng để nâng cấp bộ nhớ lên 2TB và sử dụng Gemini bản 1.5 Pro. Tính năng miễn phí trong công nghệ bây giờ chỉ để người dùng trải nghiệm theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", không đáp ứng được nhu cầu" - bà Minh cho biết.

Trong lĩnh vực truyền thông, trưởng bộ phận marketing của một công ty agency phản ánh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số lượng hợp đồng truyền thông với các doanh nghiệp giảm mạnh, công ty muốn tận dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí sản xuất content (nội dung), hình ảnh, video... Tuy nhiên, các công cụ AI hiện nay đều không miễn phí hoàn toàn mà chỉ cho phép sử dụng thử 1-2 lần với những tính năng hạn chế. "Chúng tôi dự định mua một số gói cước phục vụ sản xuất chương trình song vẫn lo ngại việc thanh toán online trên các nền tảng có an toàn và khi gặp trục trặc có thể khiếu nại không" - người này nói.

Người dùng không còn được miễn phí khi sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội, phần mềm, ứng dụng... Ảnh minh họa AI: HOÀI DƯƠNG

Người dùng không còn được miễn phí khi sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội, phần mềm, ứng dụng... Ảnh minh họa AI: HOÀI DƯƠNG

Thay đổi hành vi sử dụng tiện ích

Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, nhìn nhận việc các nền tảng hay phần mềm thu phí sử dụng là xu thế tất yếu do áp lực suy giảm nguồn thu ngày càng lớn của các công ty công nghệ. Người dùng cần cẩn trọng để không gặp rủi ro khi thanh toán. Đối với các ứng dụng, phần mềm không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tiền. "Người dùng nên mở một thẻ thanh toán riêng biệt để mua các gói trả phí, trong đó cài đặt giới hạn số tiền cho mỗi lần trả phí" - ông Thức lưu ý.

Theo ông Huỳnh Trọng Thưa, chuyên gia an toàn thông tin, việc ngày càng nhiều nền tảng yêu cầu trả phí sẽ đóng góp rất quan trọng vào việc thay đổi văn hóa sử dụng tiện ích, sản phẩm, dịch vụ công nghệ của người dùng. Đồng thời, những phiên bản trả phí cũng thường được tăng cường tính năng bảo mật thông tin - tính năng rất hữu ích với người dùng. Dẫu vậy, người dùng cần tìm hiểu kỹ về độ uy tín của nhà sản xuất, cung cấp ứng dụng trước khi thanh toán gói cước vì tình trạng giả mạo hiện nay rất nhiều.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành game cho rằng việc phải trả phí sẽ tạo áp lực khiến người dùng cần có sự nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn khi sử dụng nền tảng. Trong khi đó, các nhà phát triển nền tảng sẽ có động lực duy trì và nâng cấp hệ thống bảo đảm tính ổn định, bảo mật cho người dùng. Đồng thời, có nguồn lực đầu tư vào cải tiến sản phẩm, nâng cao tính năng và trải nghiệm người dùng trả phí, chẳng hạn ưu tiên hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả hơn so với người dùng miễn phí...

"Nên tìm hiểu kỹ điều khoản sử dụng, tham khảo tư vấn của người có chuyên môn để có thể sử dụng các nền tảng, app hiệu quả trong công việc và tránh rủi ro. Nhiều dịch vụ có tính năng tự động gia hạn nên người dùng cũng cần chú ý hủy đăng ký nếu không muốn tiếp tục sử dụng" - lãnh đạo doanh nghiệp này khuyến cáo 

YouTube sẽ hủy tài khoản Premium "lậu"

YouTube cho biết đang rà soát và sẽ hủy gói đối với những tài khoản sử dụng dịch vụ VPN (mạng riêng ảo) để mua tài khoản Premium giá rẻ từ nước ngoài. Trước đó, một số người dùng YouTube Premium cho biết bất ngờ nhận được thông báo gói thuê bao bị hủy. Liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng, một số người được giải thích rằng nền tảng phát hiện họ dùng YouTube tại nơi khác với địa điểm đăng ký.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có tình trạng người Việt thay đổi quốc gia để đăng ký tài khoản YouTube Premium bởi giá dịch vụ chênh lệch lớn giữa các khu vực. Người bán thường mua gói cước gia đình từ các quốc gia có giá rẻ, sau đó chia sẻ cho nhiều tài khoản khác cùng sử dụng nên giá chỉ 300.000-400.000 đồng/năm, tương đương 25.000-35.000 đồng/tháng - thấp hơn rất nhiều so với giá 79.000-149.000 đồng/tháng nếu mua trực tiếp từ nền tảng.

0 nhận xét:

Post a Comment